PHÒNG BỆNH CHO CÂY

                 Nếu một ngày bạn phát hiện cây trồng của mình bị héo úa, lá vàng dù đã tưới rất nhiều nước cho nó, vậy thì cây có thể đã bị mắc bệnh. Trong quá trình sinh trưởng, giống như con người hay các loại động vật khác, cây xanh cũng không thể tránh khỏi sự xâm nhiễm của bệnh, vi khuẩn, nấm,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, sự sống và lợi ích mà cây đem lại nếu không biết xử lí đúng cách và kịp thời. Cây xanh Ngọc Trang đã tổng hợp những loại bệnh mà cây hay mắc phải và cách chữa trị hiệu quả nhất.

Những bệnh cây mắc phải thường được chia làm 2 loại: Bệnh không truyền nhiễm (bệnh sinh lí), bệnh truyền nhiễm (bệnh kí sinh).

            Bệnh không truyền nhiễm: Nếu gặp điều kiện ngoại cảnh bất lợi kéo dài hoặc nhu cầu sống của cây không được đáp ứng phù hợp như đất đai, phân bón. Bệnh không lây lan vì không có nguồn bệnh truyền nhiễm nhưng bệnh không những ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây mà nó còn tạo điều kiện cho bệnh truyền nhiễm phát sinh gây hại.

                       Bệnh truyền nhiễm: có nguyên nhân do các loại vi sinh vật khác nhau (virut, vi khuẩn, nấm, tuyến trùng, dịch khuẩn bào, rong tảo) hoặc do một số thực vật thượng đẳng sống ký sinh gây ra (dây tơ hồng). Những sinh vật gây bệnh có thể phát triển nhanh trong điều kiện thích hợp dẫn đến lây lan nhanh và gây tác hại nghiêm trọng.

Những loại bệnh mà cây hay mắc phải và cách chữa trị hiệu quả nhất.

Bệnh đốm lá:

Triệu chứng: Trên lá cây xuất hiện những đốm nhỏ có màu sắc, hình dáng hay độ lớn không giống nhau; phiến lá bị quăn lại, khô héo và rụng khiến cây mất khả năng quang hợp rồi dẫn đến chết

Cách phòng và chữa bệnh: ngắt bỏ những lá bị sâu bệnh rồi đem đốt và phun thuốc định kì theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chuyên gia. Có thể dùng đồng sunphat, một phần vôi sống và lượng nước gấp 100 lần pha thành dung dịch thuốc để phun cho cây. Lưu ý không dùng các dụng cụ kim loại trong quá trình pha chế, phun thuốc đều cả mặt trước và sau lá cây cũng như thân, cành cây.

Bệnh mục thân:

Triệu chứng: Trên cây xuất hiện những triệu chứng như có sâu đục thân, ruột thân cây bị mục rỗng, trên nhánh xuất hiện những đốm nhỏ.

Cách phòng và chữa bệnh: Cần dùng thuốc trừ sâu chuyên dụng để trị loại bệnh này.

Bệnh mốc xám:

Triệu chứng: Bộ phận bị bệnh của cây (lá, hoa, cành) hình thành lớp mốc màu vàng hoặc màu xám, thân cây bị bệnh có thể bị thối gãy và làm cho cây bị chết. Bệnh qua đông bằng hạch nấm trong đất, mùa xuân hình thành bào tử lây lan nhờ gió, mưa. Cây trồng nhiều năm, bón phân nitơ quá nhiều, trồng quá dày, thiếu ánh sáng, không thoát nước bệnh sẽ rất nặng. Ta thường gặp bệnh này trên cây hoa hồng, cây hoa trà.

Cách phòng và chữa bệnh: khử trùng đất, nước trước khi trồng. Khi cây đã bị bệnh có thể phun thuốc: Zineb 0,2% hoặc Daconil 0,2%; 10 ngày phun 1 lần, phun 2-3 lần.

Bệnh chảy nhựa:

Triệu chứng: Thân cành của cây, đặc biệt là những chỗ phân nhánh, vỏ cây bị nứt ra, chảy nhựa vàng trong suốt sau đó nhựa chuyển thành màu nâu đỏ. Phần bị bệnh sẽ lồi lên, vỏ và thân gỗ bị mục khiến cây chết khô. Nguyên nhân chính của bệnh này là do hiện tượng sương muối, do có sâu đục vỏ hoặc do đất quá chặt, chăm sóc kém, nhiệt độ quá thấp làm vỏ cây bị tổn thương, nấm xâm nhập làm tinh bột trong tế bào chuyển thành dịch nhựa chảy ra.

Cách phòng và chữa bệnh: cần tăng cường chăm sóc đất tơi xốp, bón phân hữu cơ, tỉa cành hợp lý. Có thể quét lên vết thương hợp chất lưu huỳnh vôi 50be, sau đó quét một lớp dầu để bảo vệ.

Bệnh đốm than: chủ yếu gây bệnh trên lá, có thể cả trên cành non. Thường có hai hiện tượng,loại thứ nhất: giữa đốm bệnh xuất hiện màu nâu nhạt hoặc trắng xám mép có viền nâu sẫm hình gần tròn, phát sinh trên mép lá hoặc ngọn lá, trên lá có các chấm nhỏ xếp thành vân vòng đồng tâm. Loại thứ hai: trên cành hình thành các đốm hình tròn hoặc gần tròn màu nâu nhạt, trên mặt có các chấm nhỏ màu đen.Ta thường gặp bệnh này trên cây hoa lan, cây tai thỏ, cây lô hội.

Cách phòng và chữa bệnh: cắt tỉa lá bệnh rồi đốt ngay, khi tưới nước nên tưới quanh chậu, luôn đảm bảo thông gió. Phun thuốc: Bavistin 0,2% hoặc Topsin 0,2% phun 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 10 – 14 ngày.

Bênh virus: bệnh cây do virus gây ra được gọi chung là bệnh virus. Rất nhiều loài cây cảnh bị bệnh virus như cây thủy tiên, cây cẩm chướng, cây loa kèn. Bệnh virus gây ra làm giảm sản lượng, gây tổn thất rất lớn.

Triệu chứng: Bệnh virus thường có 3 loại hiện tượng: làm mất màu gây ra khảm lá hoặc vàng lá; mô bị chết thối; xoăn lá, lá cành nhỏ lại.

Cách phòng và chữa bệnh: Hiện nay chưa có thuốc hoá học để phòng trừ, nên ta phải lấy phòng là chính, tiêu diệt nguồn xâm nhiễm, tăng cường kiểm dịch, tăng cường chăm sóc quản lý.

Trong quá trình trồng cây cũng có thể gặp nhiều triệu chứng khác bạn nên lưu ý để có thể tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả nhất.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý khách nhiều thông tin hữu ích.              

CÔNG TY TNHH TM – DV & XD NGỌC TRANG

ĐC: Cụm 8- Xã Tích Giang – Phúc Thọ – Hà Nội

ĐT: 024.33643250 –– VP: 0972897575

Email: ctycayxanhngoctrang@gmail.com

Website: cayxanhngoctrang.com.vn

Facebook: Cây xanh Ngọc Trang