Việc ứng phó với BĐKH cần thiết phải có sự tham gia hành động của tất cả mọi người.
Chính phủ và các tổ chức quốc tế thường là những tổ chức tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, việc ứng phó với BĐKH cần thiết phải có sự tham gia hành động của tất cả mọi người. Hãy bắt đầu từ chính bản thân và gia đình bạn, những tế bào nhỏ nhất của xã hội.
Cập nhật thông tin về BĐKH.
Hãy tìm hiểu về những chính sách, kế hoạch ứng phó với BĐKH của Việt Nam, của địa phương và những tiến bộ khoa học mới nhất trong việc ứng phó với vấn nạn toàn cầu này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những thông tin này rất quan trọng và cần thiết, giúp bạn có những hiểu biết cơ bản về BĐKH, về công tác ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, việc nắm những thông tin này sẽ giúp bạn có cơ sở để thuyết phục những người khác cùng thực hiện tốt hơn.
Hãy thay đổi:
Bạn cần nhớ rằng, bất cứ hoạt động nào của chúng ta cũng tạo ra khí nhà kính, ví dụ như: Tiêu thụ năng lượng, thói quen mua sắm, sử dụng phương tiện giao thông… Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hoạt động và kiểm soát lượng khí thải của mình.
Chỉ cần thực hiện các hành động nhỏ, bạn sẽ góp phần giảm nhẹ BĐKH. Ví dụ:Trong gia đình và nơi làm việc:
+ Sử dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện. Sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact dạng xoắn hiệu quả tiết kiệm hơn 75% so với bóng đèn thắp sáng thông thường.
+ Rút hẳn phích điện và tắt đèn khi không dùng.+ Nếu sử dụng điều hòa nhiệt độ, hãy để ở mức 25-26ºC.
+ Hạn chế sử dụng các hóa chất tổng hợp. Hãy thay bằng các giải pháp sinh học hoặc các chất có nguồn gốc từ thực vật.
+ Thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn nhiều rau xanh để góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gia súc.
+ Giảm lượng rác thải nhà bếp: Trung bình mỗi năm một người thải lượng rác cao gấp 10 lần trọng lượng cơ thể. 1 kg rác đem chôn lấp sẽ sản sinh khoảng 2 kg khí mêtan.Tái chế giấy, thủy tinh, nhôm, thép và các nguyên liệu khác để giảm các nguyên liệu mới, có thể giúp tiết kiệm năng lượng.
+ Giảm lượng giấy sử dụng: Sử dụng cả hai mặt giấy và tái chế giấy có thể tiết kiệm 2,5 kg khí nhà kính đối với mỗi kg giấy sử dụng.
Khi mua sắm:
+ Hạn chế sử dụng túi nilon.
+ Chọn mua các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Bạn có biết, sử dụng tủ lạnh tiết kiệm năng lượng có thể tiết kiệm được gần một nửa tấn CO2 mỗi năm so với sử dụng tủ lạnh thông thường.
+ Chọn mua những sản phẩm địa phương, vì việc vận chuyển sản phẩm nhập khẩu sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu gây phát thải nhiều khí nhà kính.
Tại cộng đồng:
+ Hãy tham gia trồng cây, bảo vệ rừng và biển. Bạn có thể đã biết cây xanh hấp thụ khí CO2 rất tốt. Nhưng bạn có biết, đại dương cũng chính là một bể chứa CO2 khổng lồ
+ Xanh hóa nghề nghiệp: Hãy áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường ngay trong ngành học hoặc trong môi trường làm việc. Ví dụ: Xây dựng một trường học không rác thải, một môi trường làm việc xanh sạch, làm những dụng cụ học tập từ những vật dụng tái chế, thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, tận dụng các vật liệu địa phương hoặc các vật liệu an toàn trước bão lũ…
+ Hãy tham gia và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Những hoạt động tình nguyện của các cá nhân, tập thể có ý nghĩa thiết thực và góp phần phát triển cộng đồng bền vững.
Một số hình ảnh:
Sử dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày tại công sở để tiết kiệm điện. Ảnh: Khánh Linh. |
Hạn chế sử dụng túi nilon khi mua sắm. Ảnh: K.Linh. |
Tăng rau xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ảnh: K.Linh. |
Những việc nhỏ như làm dụng cụ học tập từ những vật dụng tái chế cũng là cách giảm thiểu biến đổi khí hậu. |
tg.st